Đăng Ký Học
Ngày 26/10/2021 14:29:35, lượt xem: 8835
Đề bài:
Nói về sóng và em, trong bài thơ Sóng ở khổ đầu, Xuân Quỳnh cho thấy những sự phức tạp:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Nhưng đến khổ 5, nhà thơ lại đề cập đến sự đồng nhất trong một nỗi niềm:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ tới anh
Cả trong mơ còn thức
Hãy phân tích những sự phức tạp và đồng nhất trong các khổ thơ trên, từ đó nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
Bài làm:
“Làm sao cắt nghĩa được chữ yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”
Suốt cả chặng đường sáng tác của mình, có rất nhiều nghệ sĩ theo đuổi giấc mơ, tìm hiểu và cắt nghĩa được tình yêu. Thế nhưng câu trả lời vẫn là một con số khó đoán định. Trong nền văn học Việt Nam, có lẽ từ thời Hồ Xuân Hương, qua các chặng phát triển, phải đến Xuân Quỳnh nền thơ ấy một lần nữa xuất hiện một nữ thi sĩ viết về tình yêu thật đến như vậy. Sóng là một bài thơ yêu rất thật, là một bài thơ tiêu biểu cho những cung bậc cảm xúc đối lập trong tình yêu:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Và cả sự thống nhất trong tình yêu từ đó giúp ta hiểu thêm phần nào tâm hồn người phụ nữ khi yêu:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Xuân Quỳnh là một trong những người viết thơ tình có sức hấp dẫn nhất trong thơ Việt Nam từ đập thập kỉ 60 (của thế kỉ XX), chị chinh phục trái tim bạn đọc bằng một tiếng nói dung dị, chân thành vừa giàu trực cảm vừa lắng sâu trải nghiệm. Tình yêu qua ngòi bút Xuân Quỳnh in đậm dấu ấn “cái tôi” phụ nữ nồng nàn, táo bạo mà vô cùng tha thiết, chân thành: “Không sĩ diện đâu, nếu tôi yêu được một người/ Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm/ Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng…”. “Sóng” là bài thơ tình hay nhất của tác giả, được viết vào năm 1967 trong chuyến đi công tác tại vùng biển Diêm Điền, tỉnh Thái Bình sau được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” năm 1968. Đây là thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt và tình yêu đôi lứa thuần túy chưa phải đề tài phổ biến trong thơ ca, nhất lại là tiếng nói của một cái tôi cá nhân đích thực, khao khát kiếm tìm bản thể và khẳng định cá tính. Chính vì thế “Sóng” như “bông hoa lạ” ngay lập tức có được sức sống tự nhiên trong lòng bạn đọc.
Ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên ta đã nhận ra sóng chính là hình tượng mà Xuân Quỳnh gửi gắm những tâm tư, tình cảm trong trái tim tha thiết yêu của người phụ nữ.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Đặc tính của sóng được Xuân Quỳnh khái quát thật giản dị mà cũng vô cùng ấn tượng vì nó ẩn chứa những nhận thức bất ngờ: bản thể sóng gồm nhiều đối cực, tưởng như mâu thuẫn hóa ra thống nhất, luân chuyển không ngừng để mãi mãi vẫn là mình. Giữa các đối cực, nhà thơ đã đặt liên từ “và” hết sức tinh tế cho thấy đại dương mênh mông luôn hàm chứa, tồn tại những thay đổi đột ngột, bất ngờ khi “dữ dội”, “ồn ào” bão tố, lúc yên ả “lặng lẽ”, “dịu êm”. Những trạng thái thất thường của sóng đã gợi liên tưởng thật tự nhiên đến trái tim người con gái khi yêu, bởi cũng như sóng, trái tim vốn rất nhạy cảm, dễ tổn thương của người con gái luôn ẩn chứa những trạng thái tâm lí đầy mâu thuẫn, phức tạp, thất thường với những vui buồn, nhớ nhung, mong ngóng, giận dỗi, … Nhưng “dữ dội, ồn ào” là sóng mà “lặng lẽ, dịu êm” là sóng. Khi vui, lúc buồn, khi mãnh liệt sôi nổi, lúc dịu dàng đằm thắm, tất cả những trạng thái thất thường ấy đều là những biểu hiện của tình yêu. Tình yêu luôn là sự thống nhất kì lạ của những mâu thuẫn, luôn mang trong mình những trạng thái phong phú, phức tạp, đầy biến động cũng bởi lẽ:
“Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên”
Tình yêu đích thực luôn xa lạ với những trạng thái thăng bằng, bình thản tới vô cảm. Sự thất thường vì thế không chỉ là đặc tính của tình yêu mà còn tạo nên sự duyên dáng, đáng yêu cho người phụ nữ. Tuy nhiên, nhìn vào cấu trúc của hai câu thơ cũng bộc lộ tinh tế nỗi lòng của người phụ nữ khi yêu, sau những “dữ dội, ồn ào” cả hai câu đều kết lại bằng trạng thái “lặng lẽ, dịu êm” - người phụ nữ có thể vui buồn thất thường song điều cuối cùng mà họ khao khát vẫn là cảm giác bình yên.
ĐỌC THÊM TUYỂN TẬP MỞ BÀI "SÓNG" - XUÂN QUỲNH HAY NHẤT, ẤN TƯỢNG NHẤT
Chuyển đến hai câu thơ tiếp theo, ta nhìn thấy sự mới lạ trong tứ thơ của Xuân Quỳnh:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Những hình ảnh xuất hiện liên tiếp, hình ảnh của dòng sông, của con sóng và của “bể”, ở đây có thể hiểu là biển, là đại dương. Trăm suối đổ về một sông, trăm sông đổ về biển lớn, sóng không chấp nhận giới hạn nhỏ bé tầm thường, sóng chuyển mình ra biển lớn, tìm về đại dương, tìm đến nơi thuộc về. Ở hai câu thơ này, mạch sóng như bứt phá ra khỏi một không gian chật hẹp để tìm đến những điều lớn lao. Cũng giống như trái tim tình yêu của những người phụ nữ, vượt qua những giới hạn nhỏ bé tầm thường, để tìm đến với tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Có thể thấy rằng, đây cũng chính là một trong những nét hiện đại trong thơ Xuân Quỳnh, cũng là góc nhìn, một quan niệm mới mẻ về người phụ nữ hiện đại, dám đấu tranh vì tình yêu, vượt qua những thứ lễ giáo phong kiến để đến với hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Khác hẳn với người phụ nữ trong bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn, người phụ nữ ấy chỉ dám giấu tình cảm của mình trong chiếc khăn tay gửi cho người ngày mai ra trận.
“Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngượng ngùng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa”.
Qua khổ thơ thứ nhất, hình ảnh người phụ nữ đang yêu hiện lên với đầy đủ những cung bậc cảm xúc mâu thuẫn, đối lập nhau. Dẫu cho tình yêu có muôn vàn những trạng thái đối lập nhau song có lẽ đều thống nhất ở nỗi nhớ. Nỗi nhớ của con người thường gắn liền với một cái cớ nào đó. Hễ gặp duyên cớ kia là nhớ nhung, cứ thế mà thức dậy, mà da diết. Cội nguồn của tình yêu bắt nguồn từ nỗi nhớ, “đặc tính” của tình yêu cũng gắn với nhớ nhung. Lấy cảm hứng thơ từ điều này nên Xuân Quỳnh viết:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Năm tháng trôi qua chỉ còn tình yêu và nỗi nhớ thương ở lại. Tình yêu xưa nay luôn gắn liền với nỗi nhớ, một trái tim đang yêu là một trái tim đang nhớ, một trái tim ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn của một trái tim ngừng yêu bởi mấy ai yêu mà không một lần thương nhớ. Cũng bởi lẽ đó mà trong kho tàng ca dao Việt Nam có rất nhiều câu bộc bạch về nỗi nhớ:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”
hay Nguyễn Bính trong “Tương tư” đã mượn hình ảnh thôn Đoài và thôn Đông để bày tỏ lòng mình:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”
Còn với những vần thơ của Xuân Quỳnh dường như đã chạm tới nơi sâu thẳm nhất của trái tim tình yêu mang theo một thông điệp thật tình tứ, mến thương: “Sóng nhớ bờ”. Có một điều đặc biệt trong khổ thơ này đó là đến đây, biên độ của khổ thơ đã được mở rộng từ bốn câu lên sáu câu, phá vỡ những quy luật về độ dài của một khổ trong cả bài. Phải chăng, chỉ khi mở rộng biên độ khổ thơ mới có thể diễn tả cho thỏa, cho đạt sự ngút ngàn của nỗi nhớ. Việc sử dụng các từ đối lập dưới lòng sâu >< trên mặt nước, cùng điệp ngữ “con sóng” được nhắc lại ở hai câu đầu khổ thơ khiến nỗi nhớ cứ dài, rộng mãi ra bao trùm không gian, choáng ngợp cả thời gian và khoảng cách khoảng cách. Nếu ở bốn câu đầu Xuân Quỳnh mượn con sóng để diễn tả nỗi nhớ, nỗi nhớ đã bao trùm mọi khoảng không thời gian nhưng vẫn chưa diễn tả hết nỗi nhớ mà em dành cho anh nên người phụ nữ ấy đã trực tiếp thổ lộ lòng mình:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Xuân Quỳnh đã thật khéo léo và tinh tế khi sử dụng từ “lòng em” bởi đó là nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người, nơi ẩn chứa những tình thương yêu vô bờ. Khi chị nói “lòng em nhớ đến anh” có nghĩa là em đang dốc cả tâm can của mình để trao gửi nỗi nhớ thương ấy đến anh – tình yêu đích thực trong cuộc đời mình. Vị ngọt ngào, mê đắm của tình yêu lan tỏa trong một câu thơ thật lạ: “Cả trong mơ còn thức”. Cái thức trong mơ chính là biểu hiện cao nhất của nỗi nhớ, nỗi nhớ bây giờ không chỉ xuất hiện trong ý thức, tiềm thức mà còn xuất hiện cả trong vô thức. Cái thức trong mơ là một trong những nét nghệ thuật độc đáo ở khổ thơ này, đưa chúng ta đến những góc nhìn mới mẻ hơn về tình yêu, về nỗi nhớ. Không chỉ ở “Sóng” mà trong “Thuyền và Biển” nỗi nhớ ấy lại một lần nữa rung ngân từng nhịp da diết, cồn cào. Và đó cũng chính là nỗi nhớ muôn thuở trong tình yêu.
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu mong nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ”
Tuy nhiên, trạng thái “trong mơ còn thức” không chỉ là nỗi nhớ, đó còn như là những dự cảm lo âu của một trái tim phụ nữ luôn khao khát tình yêu và hạnh phúc nhưng lại có quá nhiều những trải nghiệm đắng cay, một trái tim từng bầm dập đau đớn vì những tổn thương, mất mát trong tình yêu nên luôn lo sợ:
“Lời yêu mỏng như làn khói
Ai biết lòng anh có đổi thay”
Một trái tim luôn xót xa:
“Em đâu dám mong là vĩnh viễn
Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi”
Và do vậy, khi người phụ nữ đang yêu mà “trong mơ còn thức” thì thức không chỉ để nhớ tới anh, thức còn như để trông giữ tình yêu, để tình yêu không tuột khỏi tầm tay. Trăn trở, âu lo bất ổn luôn là nét tâm lí ám ảnh quen thuộc trong tâm hồn thơ Xuân Quỳnh, cũng là nét riêng tạo nên cái mong manh xót xa cho tình yêu.
ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | "SÓNG" VÀ KHÁT VỌNG TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Mỗi một khổ thơ là những tâm trạng khác nhau của người phụ nữ trong tình yêu, khi mâu thuẫn, đối lập nhưng có khi lại thống nhất bởi nỗi nhớ trào dâng nơi “lòng em”. Dẫu khác nhau nhưng cũng chính từ sự khác nhau ấy, Xuân Quỳnh khắc họa một cách chân thật, rõ nét nhất tâm hồn người phụ nữ với đầy đủ những trạng thái phức tạp. Một tâm hồn chân thành mà sâu sắc. Để từ đó thấy được một khát vọng mãnh liệt về tình yêu, hạnh phúc đời thường. Điều này thật đúng với nhận định của Lưu Khánh Thơ “Thơ Xuân Quỳnh có nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, khi đắm say hạnh phúc, lúc day dứt suy tư. Nhưng xuyên suốt các tập thơ của chị là một tình yêu sâu nặng không nhạt phai. Trong cái hữu hạn ngắn ngủi của cuộc đời, tình yêu trở thành vĩnh cửu. Với bản chất trong sáng và tinh diệu của nó, tình yêu không thể bị thời gian tàn phá, bị không gian chia rẽ và ngăn cách. Tình yêu bất tận và bền vững, vượt ra ngoài cái giới hạn thường tình của lẽ tử sinh.”
“Sóng” đã khép lại hơn năm mươi năm vậy mà dư âm trong những vần thơ còn ngân vang mãi trong trái tim bạn đọc. Bởi tình yêu trong trái tim người trẻ thời nào cũng vẫn vậy, vẫn sẽ mâu thuẫn, đối lập nhưng đến sau cùng trái tim ấy lại đập lên từng hồi tha thiết bởi nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng. Năm tháng vẫn miệt mài trôi đi nhưng tình yêu mến mà thế hệ sau dành cho Xuân Quỳnh sẽ còn mãi, “Sóng” đã và đang sống cùng chúng ta - những người trẻ đang yêu và cả những người đã đi qua thời giông bão để trong tim còn đọng lại những điều đẹp đẽ nhất.
Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!
Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ
Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4
Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4
Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan